— Các nhân vật, sự kiện, địa danh trong tác phẩm này là hư cấu. Mặc dù tác phẩm sử dụng một số địa danh có thật làm bối cảnh, nhưng mọi tình tiết liên quan đều không phản ánh bất kỳ thực tế nào. Nếu có, thì đều là trùng hợp ngẫu nhiên.
Nam bác sĩ đi ngang qua một dãy hành lang của bệnh viện thấy một người phụ nữ đứng trước một căn phòng bệnh. Nhìn đi nhìn lại bác sĩ không khỏi hiếu kỳ khi mà cô ta cứ đứng ở đó nhìn vào cánh cửa đối diện không nhúc nhích. Thấy lạ, bác sĩ tiến tới gần, nhẹ giọng hỏi người phụ nữ nọ:
“Cho hỏi, cô đứng đây có việc gì không?”
Vừa nghe thấy âm thanh xuất hiện gần bản thân, người phụ nữ này liền giật mình, nhanh chóng cầm vạt khăn che kín đầu hơn. Cô ta không trả lời vị bác sĩ, sợ hãi chạy đi, để lại vị bác sĩ đứng ú ớ không hiểu chuyện gì ở phía sau.
Trong phòng, tiếng sột soạt vang lên đều đều. Thư ngồi dựa lưng vào thành tường, bắc một cái bàn nhỏ lên giường, chăm chú ghi chép trên cuốn sổ nhỏ. Cô viết lại dị bản bài đồng dao Bắc Kim Thang một lần nữa, chính cô cũng không rõ bản thân đã viết bao nhiêu lần rồi, nhiều tới mức nó lấp đầy con chữ lẫn não bộ của cô khiến chính dị bản này giờ biến thành một con quỷ đeo bám cô không buông.
Thư nghe lời của Hùng, phân tích từng mặt chữ của bài dị bản. Cô cũng không biết đường nào mà lần, chỉ ghi ra những giả thuyết xoay quanh một số từ ngữ được thay đổi so với bản gốc. Bắc kim thang cà lang bí rợ vốn là một câu nói chỉ một cái giàn có dạng hình tam giác cân để cho ba loại quả thuộc họ dây leo lần lượt “cà”, “lang” “bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì đây cũng là dạng phân tích theo mặt nghĩa, chỉ là phân tích khá trừu tượng không đi cụ thể vào từng con chữ. Nếu tách riêng từ chữ với nhau, cô có thể hiểu được rằng: Bắc chỉ phía bắc, kim chỉ cây kim, thang chỉ bậc thang, cà chỉ la cà, thang lần hai chỉ lang thang, bí chỉ bí ngộp, rợ chỉ man rợ.