Ưng Phúc vốn là một ngôi làng được xây dựng trên mồ mả của một nghĩa trang lớn xưa. Vì địa thế thuận lợi nên người ta đã san bằng bia mộ và xây dựng làng. Tuy thế, vì không cúng bái trước khi đập nát hết các bia mộ mà ngôi làng sau khi được xây dựng đã thường xuyên xảy ra nhiều chuyện bất lợi. Và điều khiến người ta khiếp sợ nhất là các vụ tấn công hàng loạt của những con ve sầu.
Ban đầu chúng chỉ biết lao thân mình vào người khác hòng gây ra một chút vết tích nhỏ trên da. Số lượng ve sầu lúc đó cũng không nhiều nên gần như không gây hại gì đến những người dân trong làng.
Kế đó, một số chủng ve sầu kỳ quặc bắt đầu biết cắn người. Chúng cắn đến mức da của người bị hại phải bật ra cả máu.
Tệ hại hơn, chẳng bao lâu, một số chủng khác khi cắn còn gây ra viêm loét thối rữa khiến người trong làng không khỏi thất kinh.
Những điều khủng khiếp mà bọn ve sầu có thể gây ra thật sự không sao mường tượng được. Vì viễn cảnh đó, Trần Thịnh đã bắt tay vào nghiên cứu. Tháp canh như ngọn hải đăng ở giữa làng chính là thành quả của anh. Trần Thịnh coi như đã ém lại được sự hung hăng của những con ve sầu và thành công thuần hóa được chúng. Chỉ là anh không lường trước được, chính điều đó đã khiến thảm họa tồi tệ này xảy đến. Tựa như điều gì đó bị dồn ép quá chặt thì sẽ có thời điểm nó tuôn trào ra một cách mãnh liệt. Sức mạnh ấy không thể cân đo đong đếm, bởi vì để tuôn trào, nó đã vượt ra khỏi giới hạn của chính mình.
Tài liệu nghiên cứu của Trần Thịnh về những con ve sầu ở cánh rừng phía Tây được đặt tên là Lời nguyền của ve sầu.